Tìm đầu ra cho sản phẩm của người khuyết tật

Ngày đăng: 01:54 PM 09/11/2016 - Lượt xem: 2144

Tìm đầu ra cho sản phẩm của người khuyết tật

(ANTV) - Đối với người khuyết tật và bệnh nhân tâm thần, tham gia lao động ngoại khóa sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ được xem là một liệu pháp vừa trị bệnh, vừa giúp họ bớt mặc cảm và tự tin hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng hiện nay, đầu ra cho các sản phẩm của người khuyết tật đang gặp nhiều khó khăn khi phần lớn các sản phẩm sản xuất không có nơi tiêu thụ.

Mỗi tuần một lần, những em học sinh của Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa lại được tham gia lớp học nghề do các giáo viên ở đây hướng dẫn.

Để phù hợp với trẻ khiếm thính và thiểu năng, những môn được dạy thường mang tính chất nhẹ nhàng như vẽ tranh, vẽ thiệp, làm gốm, làm hoa voan. Hoạt động này vừa mang lại niềm vui, vừa giúp các em có cơ hội học nghề, tự lao động để có thể hòa nhập xã hội sau này.

 

Trung bình hàng năm, mỗi đơn vị sản xuất từ 500-600 sản phẩm hoàn chỉnh, trong đó Bệnh viện tâm thần có số lượng người tham gia nhiều nhất với 200 lượt bệnh nhân học nghề, làm ra những sản phẩm thủ công như: hoa voan, trang sức kết cườm, khăn len, móc khóa.

Thế nhưng hiện nay, đầu ra của những sản phẩm này đang găp nhiều trở ngại. Hàng gốm và may mặc do người khuyết tật sản xuất thực tế không thể thu hút người mua so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, trong khi các đồ thủ công mỹ nghệ cũng chỉ bán được cầm chừng nhờ vào lòng hảo tâm của người mua. Hiện tại, số lượng sản phẩm tiêu thụ được chẳng thấm vào đâu so với số lượng hàng tồn kho của các đơn vị này.

Chị Lê Thị Thoảng, Trung tâm PHCN - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa cho biết: Mấy năm nay, các khách sạn mời các cháu đến biểu diễn và bán. TT cũng muốn các khách sạn khác làm được như vậy, động viên các cháu có những phần quà, bồi dưỡng khích lệ các cháu vui hơn.

                                                                        Sản phảm của người khuyết tật

Để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm người khuyết tật và bệnh nhân tâm thần, thời gian qua, các đơn vị đã liên kết với các khách sạn, đơn vị kinh doanh du lịch bày bán sản phẩm cho du khách, mang sản phẩm đi giao lưu, giới thiệu với các nơi khác. Nhưng do tổ chức không thường xuyên nên việc đẩy mạnh tiêu thụ vẫn chưa hiệu quả.

Để duy trì được liệu pháp nghề cho người khuyết tật và các bệnh nhân thì cần phải có vốn. Nhưng với thực tế như hiện nay đã tạo ra nguy cơ thiếu bền vững trong việc duy trì các liệu pháp nghề.

Chính vì vậy, các đơn vị này nói riêng và người khuyết tật nói chung đang rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Facebook