Trần Trà My - Nhà văn khuyết tật không đầu hàng số phận

Ngày đăng: 08:12 PM 27/05/2019 - Lượt xem: 1670

Đôi chân bước đi không vững, đôi tay chỉ có thể gõ máy tính bằng một ngón nhưng đến nay nhà văn Trần Trà My đã cho ra đời 3 cuốn sách cùng nhiều bài báo khác. 

 

Viết bằng cả tâm hồn

Bất hạnh đến với chị từ nhỏ khi mới ba tháng tuổi, trên người chị bị nổi những chấm li ti. Cứ ngỡ là bệnh bình thường ở trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển mùa, nhưng khi gia đình đưa chị đi bệnh viện thì bệnh quá nặng. Sau các cơn phẫu thuật, đôi bàn chân của chị không thể đi lại như những người bình thường, mà phải luôn cần công cụ trợ giúp.

 

 

Đôi tay chị cũng mềm dần, cuối cùng chỉ còn một ngón có thể hoạt động được. Không thể đến trường, những tưởng cuộc sống sẽ bị chôn vùi trong bốn bức tường của căn phòng ở ngôi nhà nhỏ quê hương Đông Hà, nhưng không, Trà My bắt đầu tập viết. My kể, có lần mẹ đi làm về đứng ngoài cửa thấy chị cặm cụi viết chữ, bà giả vờ làm lơ, rồi lén quay đi lau nước mắt. Chính vì thế, chị càng quyết tâm hơn để những ước mơ bay bổng có thể chắp cánh. Và khi những con chữ lành lặn ra đời, chị bắt đầu viết nên những cảm xúc, suy nghĩ của mình qua các tản văn, truyện ngắn.

Một lần, Trà My viết bài thử gửi lên đài, không ngờ bài của chị được phát. Gia đình, làng xóm ai cũng ngạc nhiên và vui mừng cho chị. Từ đó, một bầu trời mới đã mở ra, chị tập trung viết nhiều hơn nữa, chìm đắm trong thế giới văn chương với những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, công bằng, trong sáng và không ngừng mơ ước. Chị chia sẻ: “Tôi viết bằng cả trái tim và khi viết tôi cảm thấy mình thoát ra khỏi thân thể của mình”. Đến nay, chị đã cho ra đời 3 tập sách ấn tượng: Giấc mơ đôi chân thiên thần (2009), Chúng ta chính là mùa xuân (2010), Yêu trên từng ngón tay (2013) và sắp tới sẽ là Người tử tế đâu rồi.

 

 

Không ngừng học hỏi và cống hiến

Từng có lúc Trà My tưởng đã gục ngã trước số phận của mình. Chị bị ám ảnh bởi những khiếm khuyết của bản thân. Chị sợ khi nghĩ về hình ảnh ba đứa em của mình đến tuổi lấy vợ lấy chồng và gia đình họ tới thăm gia đình chị, phát hiện ra có một người khác lạ ngồi ở góc nhà, liệu người ta có đồng ý không. Chị sợ và bị ám ảnh khi nghĩ đến cảnh phải thui thủi nơi góc nhà và nhìn người ta đang sống. Thế nên, Trà My đã chọn cuộc sống không cam chịu bằng cách đứng dậy và kiêu hãnh bước đến những mục tiêu của mình.

Ngay sau đó, chị đã rời quê Quảng Trị để vào Sài Gòn, tìm việc nuôi sống mình và để thực hiện những ước mơ. Chị sống bằng viết văn, viết báo, làm truyền thông và viết những gì người khác đặt hàng trong khả năng của mình. Chị tâm sự, ngoài đam mê văn chương, chị rất mong muốn được cống hiến làm việc trong hai mảng y tế và giáo dục. Bởi một đất nước muốn tiến bộ thì nên cần tập trung hai mảng này để đời sống con người được nâng cao. Không chỉ vậy, Trà My còn học thêm nhiều lớp nghiệp vụ về truyền thông để phát triển công việc. Song song đó, chị tham gia nhiều hoạt động xã hội như là cách trả ơn cuộc đời vẫn còn mỉm cười với mình.

Với những người khuyết tật, làm việc nuôi sống bản thân đã khó, để thành công và nổi tiếng càng khó khăn hơn gấp bội. Thế mà Trần Trà My, nữ nhà văn đặc biệt này đã làm được điều đó bằng cả nghị lực chưa bao giờ cạn.


Thư Kỳ

 

Facebook