Công nghệ thông tin hướng đi mới cho người khuyết tật

Ngày đăng: 02:10 PM 09/11/2016 - Lượt xem: 1963

Khái niệm tiếp cận trong các vấn đề về khuyết tật được hiểu nôm na là sự tham gia của người khuyết tật một cách đầy đủ mà không bị cản trở.


Người khuyết tật tiếp cận trong công nghệ thông tin (Ảnh: Internet)

Những người khuyết tật vận động, đặc biệt là người khuyết tật vận động nặng, phải ngồi xe lăn sẽ rất khó khăn khi tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông, khi chúng có quá nhiều bậc tam cấp, như vậy chúng ta có thể nói tòa nhà đó không tiếp cận, cái xe bus đó không tiếp cận. Hoặc chúng ta đi đến một công trình có sự quan tâm tới người khuyết tật thể hiện qua việc xây dung những đường dốc dành cho xe lăn, chúng ta có thể nói tòa nhà đó tiếp cận. Tất nhiên việc tiếp cận thực sự của người khuyết tật không chỉ thể hiện ở việc công trình có làm đường dốc vào tòa nhà, mà còn liên quan nhiều đến các yêu cầu cụ thể khác.

Trong công nghệ thông tin, việc chúng ta ra lệnh cho máy tính hoặc sử dụng máy tính ban đầu chủ yếu bằng các lệnh, các thuật toán, thông qua bàn phím, nhưng để sử dụng máy tính bằng cách đó quá phức tạp nên hãng Microsoft đã phát minh ra Windows, hệ điều hành Windows được hiểu là các cửa sổ đã được mã hóa để người dùng dù là lần đầu tiên nhìn thấy máy tính cũng sử dụng được bằng cách bấm chuột vào các cửa sổ hiển thị trên màn hình.

Thay vì việc sử dụng bàn phím để gõ các câu lệnh dài lê thê khó nhớ thì người dùng chỉ cần bấm chuột vào các biểu tượng trên màn hình. Tuyệt vời, ngày nay hệ điều hành Windows đã phát triển lên phiên bản 8.1 và ngày một hiện đại thông minh, thậm chí tối ưu cho những thiết bị di động và sử dụng màn hình cảm ứng… Điều này vô hình chung lại cản trở việc tiếp cận công nghệ thông tin của những người khuyết tật có khó khăn về nhìn. Và cũng giống như những người khuyết tật có khó khăn về vận động gặp trở ngại lớn nhất khi tiếp cận với các công trình xây dựng, giao thông, mang tính chất vật chất; Thì người khuyết tật có khó khăn về nhìn là những người gặp khó khăn nhất khi tiếp cận với công nghệ thông tin.

Khi phát minh ra bàn phím để nhập thông tin, người ta đã hữu ý làm những gờ nổi tại ký tự F và J, để từ hai ký tự đó chúng ta có thể nhớ lan ra các phím xung quanh, tương tự như trên bàn phím điện thoại phím số 5 cũng được làm một gờ nổi nhỏ để người khuyết tật cũng có thể sử dụng được điện thoại dù không nhìn thấy các ký tự hiển thị. Nhưng ngày nay, màn hình cảm ứng được coi là một xu hướng công nghệ hiện đại và thời trang, không sử dụng bàn phím vật lý truyền thống mà thay bằng bàn phím ảo trên màn hình cảm ứng. Công nghệ hỗ trợ không phát triển kịp và một phần lớn người khuyết tật có hạn chế về nhìn bị cô lập hoặc bắt buộc phải sử dụng những thiết bị cũ.

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu về khó khăn của những người khuyết tật có hạn chế về nhìn đối với việc tiếp cận công nghệ thông tin dưới góc độ tiếp cận các trang web, một thế giới thông tin vô cùng phong phú và rộng lớn, nơi chia sẻ và kết nối mọi người với nhau.

Chúng ta truy cập vào mạng Internet và vào các trang web thông qua các trình duyệt, có thể kể đến Internet Explore, Chrome, Firefox… Sau điền tên trang web vào khung địa chỉ của trình duyệt thì trình duyệt sẽ đưa chúng ta tới các trang web đã được lưu trữ trên các máy chủ để chúng ta có thể đọc thông tin, nghe nhạc, xem phim và chat với nhau nữa… Người khiếm thị cũng vậy, họ cũng dùng các trình duyệt, ban đầu là những trình duyệt đặc biệt dành riêng cho cho người khiếm thị, nhưng những trình duyệt ngày một hiện đại, và cũng giống như các công trình xây dựng ngày một quan tâm tới các đối tượng người dùng khác nhau và cũng đã bước đầu cho phép người dùng có thể cài trực tiếp các add on lên trình duyệt giúp cho việc duyệt web dễ dàng hơn bao giờ hết.

Chúng ta hãy thử nhắm mắt lại và sử dụng máy tính, thật khó có thể nhớ được vị trí của những cửa sổ luôn di động trên màn hình, chúng ta sử dụng máy tính bằng bàn phím, bàn phím là cố định nên việc ghi nhớ là không khó.

Khi duyệt web người khiếm thị sẽ sử dụng tab, các phím mũi tên di chuyển, các phím nóng, phím tắt, trình duyệt sẽ chọn các vùng hiển thị (text, graphic, media) và biên dịch thành lời nói (audio), phần text thì dễ rồi, nhưng phần hình ảnh, flash là những thứ khó có thể phiên dịch sang lời nói nếu như chúng ta không có những mã chú thích cho hình ảnh đó, điều này giống như chúng ta đi du lịch với những người khiếm thị, chúng ta sẽ mô tả cảnh vật xung quanh, để người khiếm thị có thể hình dung ra khung cảnh tuyệt vời mà đôi mắt của chúng ta nhìn thấy.

Những người nhìn kém, trước đây người lập trình web phải chèn các lựa chọn phóng to trang web để người khuyết tật có thể nhìn rõ hơn, nhưng ngày nay, bất kỳ một trình duyệt nào cũng có thể làm được việc đó trong phần lựa chọn cài đặt cấu hình của trình duyệt. Đối với những người không nhìn thấy hoàn toàn, trên trang web phải có những đánh dấu bằng các thẻ, và phải được định nghĩa hết sức rõ ràng, từ url, bố cục, và hình ảnh, màu sắc. Điều này cần thiết không chỉ dành cho người khuyết tật mà dành cho tất cả mọi người, bởi cũng giống như các công trình xây dựng, sự thân thiện không chỉ dành riêng cho người khuyết tật mà cả những người già, trẻ em và phụ nữ có thai…

Các thiết bị cầm tay với các hệ điều hành khác nhau, với các trình duyệt khác nhau đòi hỏi trang web phải linh hoạt và đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, trang web càng thân thiện thì khả năng đáp ứng cho người dùng càng cao và chức năng thông tin của nó càng được phát huy. “Responsive Web Design” (tạm dịch: “thiết kế web có độ phản hồi cao”) được coi là những tiêu chuẩn gần như là bắt buộc với những nhà thiết kế web ngày nay. Là khả năng áp dụng nhiều bố cục trang web cho các loại kích cỡ màn hình khác nhau chứ không chỉ thiết kế một giao diện cố định như người ta vẫn thường làm trước đó. Điều này cũng giống như chúng ta làm công trình xây dựng ngay từ đầu đã quan tâm tới người khuyết tật, chứ không phải làm xong mới thiết kế và tính đến đường dốc cho xe lăn vậy.

Ở Việt Nam, Bộ thông tin và truyền thông đã ban hành thông tư khuyến khích các cơ quan nhà nước và các cơ quan báo chí chú ý đến việc tiếp cận về công nghệ thông tin cho người khuyết tật, và là Bộ đi đầu trong việc nâng cấp và cải tạo trang web của Bộ để người khuyết tật dễ dàng hơn trong việc truy cập, nhưng vẫn còn đó rất nhiều trang web, của các bộ ngành và các tổ chức, kể cả những tổ chức của người khuyết tật chưa tính đến điều này hoặc chưa biết… Những người khiếm thị chỉ còn cách trông chờ và sự phát triển của công nghệ thiết kế web cũng như chấp nhận những hạn chế của bản thân mình.

Trịnh Công Thanh

Facebook